Trong những năm gần đây, tiếp thị qua điện thoại (telemarketing) được các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp sử dụng như một công cụ chính trong kinh doanh. Đây được xem là một cách bán hàng hiệu quả vì nó cho phép tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng trong thời gian ngắn và giảm đáng kể chi phí bán hàng. Những cuộc trao đổi, những hợp đồng mua bán đều được thỏa thuận qua điện thoại một cách nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao cho cả hai bên.
Có rất nhiều công cụ được sử dụng để xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng thông qua điện thoại như: sử dụng kịch bản cuộc gọi, xây dựng chân dung khách hàng lý tưởng, …
Trong số đó, ấn tượng đầu tiên tác động và góp phần duy trì cuộc trò chuyện với khách hàng là giọng nói của telesale. Một số nghiên cứu cho thấy, giọng nói của đội ngũ bán hàng góp phần thuyết phục khách hàng thành công đến 93%.
Với nhiều cách biểu hiện khác nhau trong tiết tấu, ngữ điệu, âm lượng và tình cảm, giọng nói của nhân viên có thể truyền tải đến người nghe sự tin tưởng, quan tâm và chăm sóc. Ngược lại, nó cũng có thể khiến khách hàng thờ ơ, khó chịu hoặc coi thường.
Bài viết này sẽ trình bày 3 yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo nên một giọng nói hấp dẫn trong dịch vụ bán hàng qua điện thoại. Đó là âm lượng, tiết tấu và ngữ điệu cùng với ngôn ngữ cơ thể. Một khi bạn có thể phát huy những thế mạnh này trong giọng nói, nó sẽ trở thành vũ khí lợi hại giúp bạn thu hút và giữ chân khách hàng qua cuộc gọi, từ đó giúp bán hàng hiệu quả hơn.
Giọng nói: Yếu tố quyết định 93% sự thành công của tiếp thị qua điện thoại
Nguồn ảnh: www.studytienganh.vn
1. Sử dụng âm lượng phù hợp để nghe tự tin và rõ ràng
Sử dụng âm lượng vừa phải để tạo ấn tượng tốt với khách hàng tiềm năng
Nguồn ảnh: blog.close.com
Điều đầu tiên mà khách hàng tiềm năng sẽ nhận thấy về giọng nói của nhân viên bán hàng là âm lượng mà họ đang nói.
Nếu người nhân viên đó đang nói chuyện một cách lí nhí, rụt rè, hầu hết người nghe sẽ biết ngay đó là biểu hiện của sự thiếu tự tin. Khách hàng sẽ ngay lập tức nghĩ rằng nhân viên đó nói ít, nói nhỏ hay thậm chí im lặng vì họ đang sợ hãi, lo lắng và không biết cách xử lý tình huống – tất cả đều là những đặc điểm làm nên một cuộc gọi bán hàng kém hiệu quả. Không chỉ vậy, việc khách hàng phải lặp đi lặp lại từ “cái gì” do không nghe rõ chính là “tử huyệt” dẫn đến một giao dịch thất bại.
Mặt khác, khi tiếp thị qua điện thoại bạn cũng không nên to tiếng, có giọng nói khó chịu với khách hàng, bởi giọng nói chính là thủ phạm tố cáo tính cách của bạn khi giao tiếp qua điện thoại.
Do đó, một giọng nói nhẹ nhàng và truyền cảm với âm lượng vừa đủ sẽ mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người nghe và để lại cho họ những ấn tượng tốt về bạn.
Nhưng thậm chí có thể nói to hơn một chút cũng là một cách khiến bạn có vẻ tự tin, kiểm soát và có quyền lực hơn.
2. Tiết tấu và ngữ điệu tạo mang lại sự hấp dẫn cho câu chuyện bán hàng
Nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn nhấc điện thoại lên và nghe:
“Xin chào… uhhh .. Em là Phúc …… anh/ chị không biết em… Nhưng em…. ummmm. Em đang gọi từ công ty Gcalls… .. và…. Em có thể xin một phút… ừm… thời gian của anh/ chị… Em có một số giải pháp tổng đài CSKH … dành cho các startup … như công ty anh/ chị.”
Nếu dòng chữ trên gây khó chịu khi đọc, hãy tưởng tượng khách hàng tiềm năng của bạn cảm thấy thế nào khi nghe thấy giọng nói đó qua điện thoại?
Một lần nữa, nếu bạn đang nói với tốc độ dưới mức trung bình, hầu hết người nghe sẽ hiểu rằng bạn đang bối rối hoặc không chắc chắn về những gì mình đang nói. Họ sẽ nghĩ rằng bạn đang làm họ mất thời gian vì những câu từ sáo rỗng. Và nếu đúng như vậy, tại sao họ phải tin tưởng bạn?
Trớ trêu thay, nói chậm cũng khiến người khác gặp khó khăn khi hiểu những gì bạn đang nói. Chúng ta đã quen với một nhịp độ nhất định trong các cuộc trò chuyện và bất cứ điều gì quá mức đều khiến chúng ta khó chịu khi lắng nghe.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn cần phải tăng tốc độ nói chuyện khi tiếp thị qua điện thoại. Một lần nữa, bạn nên nói với tốc độ trên mức trung bình một chút. Không nhanh đến mức các từ và nghĩa bị mất đi, nhưng đủ nhanh để bạn nghe có vẻ đã được luyện tập tốt, tự tin và thông minh.
Ngoài ra, khi bạn muốn chuyển đến khách hàng một thông điệp từ giọng nói, đừng bỏ qua yếu tố tiết tấu và ngữ điệu. Nó rất quan trọng để hiểu trong thông điệp mà bạn đưa ra, bạn đặt sự nhấn mạnh ở đâu? Những từ mà bạn có ý nhấn trọng âm vào là gì? Cùng một câu có trật tự được sắp xếp giống nhau, sẽ có ý nghĩa rất khác nhau khi bạn thay đổi ngữ điệu của giọng nói.
Điều chỉnh tốc độ và ngữ điệu khi tiếp thị qua điện thoại để thu hút khách hàng hơn
Nguồn ảnh: sixminutes.dlugan.com
3. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để xây dựng sự tự tin, ngay cả khi bạn đang nói chuyện điện thoại
Mặc dù bạn đang thực hiện một cuộc gọi chào hàng và khách hàng không thể thấy được bạn đang làm gì. Nhưng hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể vì các lợi ích cho riêng bạn.
Thay đổi vị trí, sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong các cuộc gọi chào hàng có thể mang lại cho bạn sự tự tin và có nhiều năng lượng. Và người ở đầu dây bên kia có thể cảm nhận được và bắt máy như một sự lan tỏa năng lượng.
Khi bạn đang thực hiện một cuộc gọi chào hàng đầu tiên cho một vị khách hàng tiềm năng mới, hãy đứng thẳng vai và ưỡn ngực. Nhìn về phía trước và mỉm cười. Hãy thử ngay bây giờ. Năng lượng mà bạn đang cảm thấy sẽ đi vào bài quảng cáo, khiến bạn tự tin và hào hứng hơn.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể giúp bạn tự tin chào hàng hơn
Nguồn ảnh: creativemarket.com
Nghe lại cuộc gọi của bạn và học cách làm chủ sắc thái giọng nói của chính mình
Hãy dành một chút thời gian để nghe lại các bản ghi âm cuộc gọi của mình và xem giọng nói của bạn như thế nào. Bỏ qua những lời nói và chỉ lắng nghe âm điệu. Bạn có nghe thấy giọng nói đó toát lên sự tự tin và tính thuyết phục không? Âm điệu của giọng nói đó thể hiện sự chân thành không hay chỉ là những lời nói sáo rỗng và vô cảm?
Những gì bạn nghe cũng chính là những gì mà khách hàng tiềm năng sẽ cảm nhận được. Do đó, hãy dành thời gian luyện tập mỗi ngày với bạn bè đồng nghiệp, với gương và nghe lại các bản ghi âm cuộc gọi để điều chỉnh sắc thái giọng nói của mình nhằm tạo được kết quả mong muốn trong bán hàng qua điện thoại.